01:02
1
Đền Ngọc Sơn, Hà Nội
Đền Ngọc Sơn là một ngôi đền nằm trên đảo Ngọc của hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Khởi nguyên, khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long đặt tên ngôi đền đã có tại đây là Ngọc Tượng. Đến  đời nhà Trần, đền được đổi tên là Ngọc Sơn, là nơi thờ những anh hùng liệt sỹ trong kháng chiến chống Nguyên- Mông.

Lâu ngày đền ấy sụp đổ. Đến thời nhà Lê – Trịnh (1735 - 1739), chúa Trịnh Giang đã dựng cung Thụy Khánh tại đây và đắp quả núi ở trên bờ phía Đông đối diện với Ngọc Sơn, gọi là núi Độc Tôn.

Cuối đời nhà Lê, cung bị Lê Chiêu Thống phá huỷ. Một nhà từ thiện, nhân nền cung cũ đã lập ra một ngôi chùa gọi là chùa Ngọc Sơn, sau đổi là đền Ngọc Sơn, vì trong đền chỉ thờ thần Văn Xương Đế Quân, là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Đến năm 1865, nhà nho Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại đền. Đền mới sửa đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh, xây Tháp Bút, Đài Nghiên, đình Trấn Ba, bắc một cầu từ bờ Đông đi vào gọi là cầu Thê Húc.
Đền Ngọc Sơn là một quần thể kiến trúc độc đáo bên hồ Hoàn Kiếm.


Mặt bằng đền Ngọc Sơn (ba đỉnh của tam giác là Tháp Bút, Đài Nghiên và đình Trấn Ba)

Ngoài cùng là cổng ngoài với hai trụ hoa biểu, hai bên có hai chữ Phúc và Lộc lớn màu son. Phía sau cổng là Tháp Bút bằng đá, được xây dựng trên núi Độc Tôn (núi đá xếp, đường kính 12m, cao 4m). Tháp vuông có năm tầng, cao 28m. Đỉnh tháp hình ngọn bút lông. Thân tháp có khắc ba chữ "Tả Thanh Thiên" (viết lên trời xanh).

Tiếp theo lớp cổng 2 là đến lớp cổng có tường cao, có mái, có cửa cuốn, cánh cửa gỗ sơn son. Trên mái đặt một cái nghiên đá, cho nên cổng cũng có tên là Đài Nghiên. Nghiên được tạc theo hình nửa quả đào, cắt ngang theo chiều dọc, khoét lõm. Bề dài quả đào 0,97m, bề ngang 0,8m, cao 0,3m, chu vi 2m. Đội nghiên là ba con cóc như ba cái chân kiềng. Trên nghiên có khắc một bài minh nói về công dụng của cái nghiên mực xét về phương diện triết học. Người đời sau ca ngợi là: "Nhất đài Phương Đình bút".

Sau Đài Nghiên là cầu Thê Húc (Thê Húc nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời). Cầu có 32 chân cột tròn bằng bê tông, 15 nhịp, sàn và lan can làm bằng gỗ. Toàn bộ cầu được sơn màu đỏ, nổi bật trên nền nước xanh ngắt của Hồ Gươm.

Qua cầu Thê Húc đến cổng trong đền Ngọc Sơn với tên gọi là Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng).

Đền, đình Ngọc Sơn, gồm hai khối công trình. Phía Bắc là đền Ngọc Sơn, là một dãy nhà hình chữ Tam gồm tòa tiền bái, tòa chính điện và hậu cung. Tòa tiền bái thờ Quan Công, tòa chính điện thờ Văn Xương Đế Quân và tòa hậu cung thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Ngoài ra trong đền còn thờ Phật A Di Đà. Điều này thể hiện rõ quan niệm tam giáo đồng nguyên của người Việt xưa. Phía Nam là đình Trấn Ba (đình Chắn Sóng - ngụ ý là cột trụ đứng vững giữa làn sóng chao đảo trong nền văn hoá đương thời). Đình hình vuông có tám mái. Mái hai tầng có 8 cột chống đỡ, bốn cột ngoài bằng đá, bốn cột trong bằng gỗ.



Cổng ngoài đền Ngọc Sơn


Tháp Bút


Đài Nghiên

Nghiên đá với 3 con cóc đội nghiên

Cầu Thê Húc


Đắc Nguyệt Lầu

Đình Trấn Ba


Đền Ngọc Sơn

Quần thể kiến trúc đền Ngọc Sơn có vẻ đẹp cổ kính, hài hòa với thiên nhiên, là nơi chứa đầy các biểu tượng lịch sử và văn hóa, mang đậm tâm hồn, tư tưởng của kẻ sĩ Bắc Hà.

Cùng với quần thể Hồ Gươm, Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn là một di tích văn hóa-lịch sử tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.

1 nhận xét: